Cầu Khe Dầu ở Quảng Bình lộ... cốt tre

TTO - Cầu Khe Dầu được xây dựng với số tiền 1,45 tỉ đồng từ nguồn vốn ADB của Dự án giảm nghèo khu vực Miền Trung tỉnh Quảng Bình. Dù mới đưa vào sử dụng từ tháng 8-2008 nhưng hiện nay cầu này đã bị hư hỏng nặng nề.
Cầu Khe Dầu dài 43,2m, rộng 5m bắc qua suối Khe Dầu ở km 0+44,53 thuộc tuyến đường liên huyện qua xã Xuân Hóa, huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), do Công ty TNHH xây dựng tổng hợp số 7 ở huyện Quảng Trạch thi công.
Theo người dân địa phương cho biết ngay từ thời gian đầu mới đưa vảo sử dụng mố cầu phía Đông đã bị sạt lở, cản trở sự đi lại của người dân trong vùng, đồng thời tuyến đường dây điện 0,4kv cạnh càu cũng bị ảnh hưởng vì sạt lở này.
Cầu Khe Dầu ở xã Xuân Hóa, Minh Hóa
Từ đầu tháng 3-2010, người dân địa phương lại cho biết ở phía dưới gầm cầu, đặc biệt là dầm cầu có nhiều chỗ bê tông bị bong tróc, nứt ra làm lộ cả cốt thép. Nhiều chỗ bê tông không có độ kết dính cao nên chỉ cần dùng tay bẻ vào là bê tông đã rã ra khỏi khối. Nhiều chỗ mặt bê tông bị nứt tạo ra khoảng rỗng với độ sâu 30-40cm.
Tại một vài chỗ rỗng như vậy, chúng tôi đã quan sát và thấy phía bên trong khối bê tông có những thanh tre và cót ép. Tại các điểm bê tông bị bong tróc, cốt thép lòi ra và đã han gỉ. Cứ sau mỗi trận mưa là nước từ mặt cầu lại thấm xuống gầm cầu. Ở nhiều điểm bê tông nứt gãy và bong tróc, nhà thầu thi công đã “xử lý” bằng kỹ thuật... trét lại xi măng.
Tre và cót ép trong khối bê tông dưới gầm cầu
Một chỗ bong tróc dưới gầm cầu Khe Dầu
Tuổi Trẻ Online đã tìm hiểu về sự hư hỏng khá nhanh chóng của cây cầu và được ông Đinh Văn Cơ, phó bí thư Đảng ủy, giám sát cộng đồng xã Xuân Hóa cho biết: “Trong thời gian thi công cầu, chúng tôi là người giám sát, nhưng vì công việc quá bận nên thời gian giám sát không được liên tục. Ngày thì đi, ngày phải làm việc chuyên môn cho nên quá trình giám sát không được chắc chắn. Ngày nào chúng tôi giám sát thì chất lượng làm tốt, còn những ngày chúng tôi không tham gia giám sát thì việc này chúng tôi không thể đánh giá được”.
Được biết trong nhiều năm qua khi chưa có cầu Khe Dầu, tại đoạn suối này về mùa mưa lũ, nước xiết đã lấy đi sinh mạng của nhiều người dân, khi họ phải bơi vượt suối để làm mùa.
L.GIANG - PHAN MẠNH CHI
Nếu hay vui lòng để lại "Comment" hay Click "Quảng cáo" ủng hộ,không hay xin "Nhận xét" góp ý.Thank

Đăng nhận xét

0 Nhận xét