Sinh - lão - bệnh - tử trong cầu thang nhà ở

Tổng bậc cầu thang nhà ở thường tuân theo quy luật vòng tuần hoàn Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Lý tưởng nhất khi bậc cuối rơi vào cung “Sinh”, tương đương với các số lẻ (bội của 4 cộng thêm 1, ví dụ như 21, 17...)

Cầu thang rất quan trọng trong giao thông theo trục đứng của ngôi nhà. Ngoài sự tiện nghi, theo phong thủy học cầu thang còn phải tuân theo những kiêng kỵ, lành dữ. Cầu thang là điểm khởi đầu dẫn luồng khí trong lành đến các phòng sinh hoạt của toàn bộ căn nhà. Vì thế điểm khởi đầu của cầu thang trong nhà phải sáng sủa, thông thoáng, và được đặt vào cung “lành”, hướng tốt.
Việc tổng số bậc rơi vào cung “Sinh” sẽ đảm bảo không những thuận tiện về sinh hoạt, đồng thời cũng mang lại cho chúng ta cảm giác yên tâm, thoải mái trong ngôi nhà của mình. Số lượng bậc thang được tính từ bậc thứ nhất cho tới điểm kết thúc (chiếu tới, hành lang). Nếu có chiếu nghỉ thì chiếu nghỉ được tính như một bậc thang bình thường.
Một số khái niệm và thông số kỹ thuật cầu thang nhà dân dụng:

- Chiều rộng của thân thang: Trong kiến trúc nhà ở dân dụng hiện nay, cầu thang thường rộng từ 0,9 m đến khoảng 1,2 m.

- Độ dốc của cầu thang: Độ dốc của cầu thang quyết định bởi tỷ lệ chiều cao và chiều rộng của bậc thang, có quan hệ mật thiết với khoảng rộng của bước đi, được tính bằng công thức 2h + b = 600 mm (trong đó h là chiều cao bậc thang; b là chiều rộng bậc thang). Trong các công trình kiến trúc, độ cao của bạc thang trong nhà thường từ 150 đến 180 mm, chiều rộng tương ứng từ 240 đến 300 mm.

- Kích thước của chiếu nghỉ: Chiều rộng của chiếu nghỉ không được nhỏ hơn chiều rộng của thân thang, đồng thời phải thuận tiện trong quá trình vận chuyển.
- Chiều cao của lan can: Có liên quan mật thiết với độ dốc của cầu thang, cầu thang không dốc yêu cầu lan can làm cao một chút.Thông thường chiều cao của lan can tính từ trung tâm của mặt bậc thang đến mặt trên của tay vịn là 900 mm.
KTS Vũ Quang Định Công ty CP ASPACE

Đăng nhận xét

0 Nhận xét