Tháp của người Chăm cổ đại: đã tìm ra bí quyết xây dựng

Theo bà Mara Landoni, chất kết dính đó có thể là dầu rái, một chất liệu khá phổ biến trong khu vực. Tuy vậy, trong chất kết dính cổ, vẫn còn có một số thành phần tạp chất khác chưa xác định được.
Chiều 13-12, tại Hội thảo tổng kết “Dự án Bảo tồn Di sản thế giới Mỹ Sơn giai đoạn II–Thuyết minh và Đào tạo trong ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn Di sản thế giới nhóm tháp G”, các nhà chuyên môn, quản lý UNESCO của Việt Nam, Italia đã chính thức công bố 3 thành tựu nổi bật trong công cuộc khảo cổ, trùng tu nhóm tháp G của Thánh địa Mỹ Sơn-Di sản Văn hóa thế giới. Với kết quả mới nhất, các chuyên gia tin rằng, người đương đại đã gần như tìm ra bí quyết xây tháp của người Chăm cổ đại.
Tiến gần kỹ thuật xây tháp cổ
Sau gần 10 năm ngụp lặn trong hàng nghìn di vật khảo cổ học tại vùng rừng núi H. Duy Xuyên và đối diện với nhiều thách thức lớn, các chuyên gia đã thu được 3 kết quả quan trọng: Hoàn thành cuốn sách “Hướng dẫn khảo cổ và Trùng tu tháp Chăm–Tư liệu được đúc kết từ dự án trùng tu tôn tạo nhóm tháp G”, tìm ra chất liệu kết dính tương tự chất liệu mà người Chăm cổ đại đã dùng và phục chế được gạch Chăm.
Thap cua nguoi Cham co dai da tim ra bi quyet xay dung
Ông Đinh Hài (Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam) trao đổi với Đại diện UNESCO.
KTS Mara Landoni thuộc Viện nghiên cứu Lerici, người nhiều năm trực tiếp làm công tác khảo cổ học và trùng tu nhóm tháp G, cho biết: “Việc tìm ra chất kết dính và phục chế được gạch Chăm là bước tiến quan trọng trong khảo cổ học và công tác trùng tu”.
Câu hỏi hóc búa từ nhiều thế kỷ qua là, người Chăm đã dùng chất kết dính gì để xây tháp? Bởi các viên gạch ở di tích tháp Chăm ở Mỹ Sơn và nhiều khu vực khác đều gần như sắp xếp sít chặt vào nhau nhưng không hề sử dụng vôi vữa.
Nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó thậm chí có giả thuyết cho rằng người Chăm cổ đại đã xếp gạch sống vào với nhau thành tháp rồi sau đó chất củi lên nung. Nhưng giả thuyết này đã không thuyết phục bởi khi tiến hành thực nghiệm thì bất thành. Vậy người Chăm cổ đại đã dùng chất gì để kết dính các viên gạch với nhau?
Theo bà Mara Landoni, chất kết dính đó có thể là dầu rái, một chất liệu khá phổ biến trong khu vực. “Chúng tôi không thể khẳng định chắc chắn đã tìm ra chất kết dính của người Chăm dùng nhưng có thể nói là đã tìm ra chất kết dính tương tự”, bà nói.
Sau khi phân tích bằng nhiều phương pháp khác nhau ở trong và ngoài nước, nhóm của bà Mara Landoni phát hiện dầu rái có nhiều đặc tính của chất kết dính mà người Chăm đã sử dụng để xây tháp cách đây hàng nghìn năm (Vương quốc Chămpa tồn tại với vai trò trung tâm tôn giáo từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII).
Tuy vậy, trong chất kết dính cổ, ngoài dầu rái còn có một số thành phần tạp chất khác vẫn chưa xác định được.
Tuy chưa khẳng định đã tìm ra 100% bí quyết xây tháp của người Chăm nhưng theo bà Mara Landoni, việc tìm ra chất kết dính tương tự cũng có vai trò vô cùng quan trọng giúp cho việc tu bổ nhóm tháp G, nhất là tháp G1. Tháp G1 là ngọn tháp chủ chốt của nhóm tháp G, đã hư hỏng nặng và có nguy cơ sập vào năm 2007 nhưng chính nhờ vào sự làm việc cật lực và tỉ mỉ của đội ngũ chuyên gia, nghệ nhân, công nhân Italia, Lào và Việt Nam nên đã “cứu” được.
Trên thực tế, trong quá trình tu bổ tháp G1, các chuyên gia đã phải sử dụng đến vôi vữa trong việc kết dính gạch phía tường bên trong và chỉ áp dụng kỹ thuật kết dính bằng dầu rái ở lớp ngoài. Đó là một nỗ lực to lớn trong điều kiện ngay cả kiến thức cơ bản về tháp Chăm vẫn còn quá nhiều tranh luận.
Bên cạnh chất kết dính, thành tựu tiếp theo đáng kể là việc phục chế gạch Chăm. Theo ông Lê Thành Vinh, Viện Trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), các chuyên gia của Italia và Việt Nam đã nghiên cứu tỉ mỉ và đã “tiêu chuẩn hóa” gạch Chăm, từ đó phục chế thành công để phục vụ công tác tu bổ nhóm tháp G. Tuy chưa khẳng định chắc chắn gạch phục chế có sử dụng đúng nguyên liệu và kỹ thuật của người Chăm hay không nhưng các chuyên gia tin chắc mình đã làm ra được thứ “gần giống”.
Riêng cuốn sách “Hướng dẫn khảo cổ và Trùng tu tháp Chăm–Tư liệu được đúc kết từ dự án trùng tu tôn tạo nhóm tháp G”, ông Nguyễn Thành Vinh cho rằng, đây là ấn phẩm trình bày tương đối toàn diện về kỹ thuật xây tháp Chăm. Nó không chỉ giúp cho việc nghiên cứu nhóm tháp G mà còn hữu ích với công tác trùng tu các tháp Chăm ở nhiều nơi và có giá trị quốc tế.
Một câu hỏi đang bỏ lửng
Những kết quả nói trên được công bố tại Hội thảo có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”. Nhưng dường như chính những kết quả đó đang đặt ra một câu hỏi mới: Liệu công cuộc khảo cổ và trùng tu tiếp tục hay dừng?
Thap cua nguoi Cham co dai da tim ra bi quyet xay dung
Công trình trùng tu tháp G1
Câu hỏi này cho đến chiều qua vẫn chưa có lời đáp chính thức. Dự án Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn được triển khai từ năm 2003, chia làm 2 giai đoạn, với tổng số chi phí ước khoảng 1,2 triệu USD dưới sự tài trợ của chính phủ Italia, Viện Nghiên cứu Lerici thuộc Đại học Bách khoa Milan, UNESCO và các nguồn trong nước và sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều phía.
Theo ông Nguyễn Công Hường, Trưởng Ban Quản lý và Du lịch Di sản Văn hóa thế giới–Thánh địa Mỹ Sơn, công việc khảo cổ và trùng tu di sản này rất cần triển khai “giai đoạn 3”, và kinh phí đầu tư ít ra cũng phải bằng 2 giai đoạn trước cộng lại.
Được biết trong quá trình triển khai giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Dự án, các chuyên gia trong và ngoài nước đã giúp đào tạo 50 người thợ lành nghề trùng tu tháp Chăm, đa số là người tại địa phương và các vùng lân cận. Bàn về khả năng tiếp tục công việc ở Mỹ Sơn, bà Katherine Mulller Marin, trưởng đại diện UNESCO Hà Nội cho rằng có thể sẽ tiếp tục một dự án khác qua đề xuất cụ thể của các vị lãnh đạo ngành Văn hóa, Di sản Quảng Nam.
Theo Việt Báo

Đăng nhận xét

0 Nhận xét