Kể chuyện cũ khi cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) hợp long

 





        Vậy là hành trình chinh phục chiếc cầu dây võng số một Việt Nam đã thành công. 10 giờ sáng 26-2, cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) chính thức được hợp long. Và không còn lâu nữa, người dân thành phố, du khách sẽ có được hạnh phúc đặt chân lên chiếc cầu dây võng lớn nhất nước này, để từ đó khám phá bán đảo Sơn Trà độc đáo, hay đứng trên cầu phóng tầm mắt nhìn về thành phố Đà Nẵng trẻ trung, năng động đang thay da đổi thịt từng ngày.  
              Ý tưởng tìm một con đường ngắn nhất để qua bờ đông sông Hàn thực ra đã xuất hiện trong suy nghĩ của lãnh đạo thành phố từ khá lâu. Cuối cùng, ý tưởng làm một cây cầu dây võng nối đôi bờ sông Hàn ngay ở vị trí cuối sông đầu biển này đã nhanh chóng được mọi người ủng hộ. Và UBND thành phố đã hiện thực hóa ý tưởng này  bằng Quyết định 9528/2002/QĐ-UBND về việc phê duyệt thông qua Dự án xây dựng cầu Thuận Phước. Ngày 16-1-2003, dự án chính thức được khởi công xây dựng với phần cầu dẫn và 10 tháng sau - vào ngày 31-10-2003- phần cầu võng được khởi công xây dựng.
Theo dự kiến ban đầu, vào ngày 29-3-2005, cầu Thuận Phước sẽ được khánh thành đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thi công, mọi người đã nhận ra đó chính là cột mốc khó vượt qua, ngay cả với những quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc thi công cầu có thông số kỹ thuật khá "sốc" như cầu Thuận Phước: 



          Tổng chiều dài toàn cầu là 1.255 mét, rộng 18 mét, hai tháp chính cao 80 mét, khoảng cách giữa hai trụ tháp là 405 mét, độ tĩnh không thông thuyền 27 mét. Trong khi đó, trên 70% khối lượng công việc từ thiết kế, tổ chức thi công, quản lý... đều do chính đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của thành phố đảm nhận. Ít giờ trước thời điểm hợp long cầu, chính ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thành phố cũng thừa nhận rằng, không thể nhớ hết những khó khăn trong quá trình thi công công trình này.

          Cú vấp đầu tiên chính là việc thi công trụ tháp chính ở vị trí phía đông. Trong khi trong nước chưa có công trình nào thi công trụ có đường kính 2 mét, thế nhưng tại cầu Thuận Phước, thông số này lên đến 2,5 mét. Với những người am hiểu trong nghề xây dựng cầu đường, chỉ nghe con số này đã lo lắng, vì chỉ cần kéo đường kính thi công thêm vài cm thì việc tổ chức thi công cũng rất phức tạp. Thế nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó khi khoan xuống độ sâu khoảng 50 mét đã gặp phải vỉa đá ngầm.
          Thiết bị chuyên dùng đưa xuống bị gãy làm đôi, thế là phải nhập thiết bị khác. Tuy nhiên, việc thi công hai mố neo ở hai đầu cầu có kích thước lên đến 34,5 x 31,1 x 50 mét mới thực sự là thử thách đáng nhớ nhất. Lần này, khi đào xuống phần đất âm dưới dòng sông không gặp đá ngầm, nhưng lại gặp vỉa đất sét dày đến 7 mét. Thông thường ở các công trình tương tự, địa chất thường gặp là cát, nên việc nén lún mố trụ tương đối đơn giản. Thế nhưng khi gặp phải dải đất sét này, phương thức thi công truyền thống là nén lún không thể thực hiện được. 

           Sau rất nhiều thất bại, một phương án chưa bao giờ được thực hiện là thuê thợ lặn từ thành phố Hồ Chí Minh ra lặn xuống để đào lớp đất sét đó. Mặc dù là những thợ lặn chuyên nghiệp, nhưng mỗi người chỉ có thể lặn không quá 30 phút do áp suất dưới đáy sông quá lớn. Cố gắng là thế nhưng có ngày chỉ đào được có vài cm. Vì thế, cũng không khó hiểu khi chỉ riêng việc thi công hai mố trụ này đã ngốn hết quỹ thời gian hơn cả năm trời. 

          Trong lúc những người thi công ngày đêm trông cho mố trụ lún xuống nhiều hơn, thì những người hiếu kỳ quan sát cho rằng công trình cầu Thuận Phước đang bị... lún. Kỹ sư Bùi Hồng Trung, cán bộ Sở Giao thông-Vận tải nhớ lại: "Chính những thông tin không chính xác như vậy, vô hình trung đã tạo nên áp lực rất lớn cho cả những người trực tiếp thi công lẫn lãnh đạo Sở".



          Xong phần âm dưới lòng sông, lại tiếp những gian truân khi bắt đầu thi công phần việc trên cao. Ở vị trí cửa biển nên gió rất lớn,  gần như toàn bộ công việc kéo cáp, lao dầm... đều phải tính toán thật chi tiết về sức gió, thủy triều và sự kết hợp một cách nhịp nhàng, chính xác tất cả bộ phận. Ông Đặng Việt Dũng nói vui rằng, chỉ riêng việc giao ban của công trình cầu Thuận Phước cũng là một kỷ lục của Việt Nam rồi.

          Vì suốt một thời gian dài như vậy, ngày nào cũng đến 16 giờ 15 phút là giao ban ngay hiện trường. Đây là điều không thể khác, vì các bộ phận như điều khiển xà lan, bộ phận vận hành máy kéo, thợ hàn... đến cả việc phân luồng hàng hải, bảo vệ công truờng đều phải phối hợp rất nhịp nhàng và khoa học. Thế nhưng vượt lên tất cả khó khăn, tập thể những kỹ sư, công nhân, chuyên gia của Đà Nẵng và Trung Quốc đã tập trung trí tuệ, quyết tâm từng bước chinh phục những khó khăn về công nghệ và yếu tố khách quan như kinh nghiệm, thời tiết... 



          Để đến ngày 26-2 - một cột mốc thật đáng nhớ khi toàn bộ 69 đốt dầm cầu, mỗi đốt nặng từ 70-90 tấn đã được lắp đặt an toàn, đúng kỹ thuật, để những bước chân đầu tiên có thể từ "bên ni Hàn sang bên tê Hàn" để ngắm nhìn bức tranh đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi dòng sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà hùng vĩ nhô ra biển mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố. Giờ đây, bức tranh ấy càng đẹp hơn  rất nhiều với nét "chấm phá" đặc biệt ấn tượng: cầu Thuận Phước - cầu dây võng lớn nhất Việt Nam ra đời - niềm tự hào của nhân dân thành phố trong  những ngày hân hoan đón chào mùa xuân mới.






Đăng nhận xét

0 Nhận xét