Nhà 5 tầng đổ sập do bị phá tường ngăn

"Ngôi nhà sau khi bị phá các vách ngăn thì không còn khả năng chống đỡ theo chiều ngang. Khi chịu tải trọng khác nhà bị nghiêng rồi đổ sập", Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Phạm Sỹ Liêm trao đổi với VnExpress chiều 1/4. 

Clip ngôi nhà bị đổ sập và lời kể của các nhân chứng:


- Là chuyên gia lâu năm trong ngành xây dựng, lại trực tiếp khảo sát hiện trường, theo ông nguyên nhân nào khiến ngôi nhà 5 tầng ở phố Huỳnh Thúc Kháng bị sập chiều 31/3?

- Trưa 1/4 tôi đã ra hiện trường ngôi nhà đổ, nghe nhiều người dân nói về ngôi nhà 5 tầng từng có nhiều phòng để ở, người mua muốn cải tạo thành cửa hàng bán pizza và xây thêm một tum như tầng 6 bằng tôn. Từ một nhà ở biến thành cửa hàng pizza thì cần phòng rộng chứ không phải buồng nhỏ như trước, nên chủ nhà phải phá các vách ngăn, mặt tiền cũng phá tường để cải tạo thành kính.
Ngôi nhà bên cạnh và tường đầu hồi của ngôi nhà đổ có kết cấu giống nhau, nghĩa là làm khung cột, xây tường gạch con kiến vào giữa cột và dầm. Cột không to, tường chỉ dày khoảng 10 phân, khá mỏng manh. Nếu tường này chỉ chịu lực thẳng đứng thì có thể dù hệ số an toàn không cao, song không thể chịu được nếu có tác động ngang.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam. Ảnh: Đoàn Loan.
Ngôi nhà 5 tầng sau khi bị phá các vách ngăn thì không còn khả năng chống đỡ theo chiều ngang. Khi có những tải trọng khác hoặc một nguyên nhân nào đó đã khiến nhà bị nghiêng, rồi đổ sập theo chiều ngang.



- Chính quyền quận Đống Đa cho rằng, nhà dân sửa chữa nội thất nên không phải xin phép xây dựng, song họ không kiểm soát được việc làm của hộ dân là sửa chữa hay cải tạo, ông nghĩ sao?
- Đây không phải là sửa chữa nội thất mà là phá kết cấu. Các cải tạo đụng đến kết cấu phải được phép, chỉ khi người dân sơn nhà màu khác hay thay cửa thì không phải xin phép. Tôi nghĩ phải làm rõ chủ nhà khi cải tạo có xin phép chính quyền quận hay không.
Nếu không quy định rõ thì chính quyền cũng có một phần trách nhiệm, cũng coi là bài học. Quận thì khó biết được người dân làm gì mà do chính quyền phường sở tại. Dù không xin phép thì chủ nhà cũng phải trình với phường về việc anh làm và phường cũng phải kiểm tra.
- Trách nhiệm chính trong vụ sập nhà này thuộc về ai?
- Chủ nhà đã mượn một kiến trúc sư thiết kế song có thể người này chỉ hiểu về kiến trúc mà không biết về kết cấu. Tuy nhiên, người thiết kế việc cải tạo này phải chịu trách nhiệm với người thuê mình. Chủ nhà gây thiệt hại cho hàng xóm xung quanh thì phải đền bù, chịu trách nhiệm về việc mà anh gây ra.
- Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều hộ dân tự sửa chữa, thay đổi kết cấu nhà. Ông nhìn nhận thế nào về hiện trạng này?
- Nhiều hộ dân ở Hà Nội vẫn có thói quen cơi nới, cải tạo nhà mà không xin phép. Ở khu tập thể cũ, nếu nhà chật quá thì mở thêm một phòng ra ban công, không ai kiểm tra, mặc dù có thể gây nguy hiểm cho nhà tầng dưới. Vụ sập nhà 5 tầng là một bài học, Sở Xây dựng phải bổ sung quy định để ngăn chặn người dân tự cải tạo nhà trong tương lai và kiểm tra, xử lý nghiêm khắc.
Với nhiều căn hộ có vách ngăn mỏng chỉ để chia không gian thì có thể bỏ đi được, song với tường chịu lực thì không được phá bỏ. Dù làm gì cũng phải báo lại cho Ban quản lý khu chung cư.
Người dân không nên nhầm lẫn giữa sửa chữa và cải tạo, sửa chữa là thay vật liệu, thay bộ phận thiết bị, còn cải tạo là thay đổi mặt bằng không gian. Cải tạo nhất quyết phải xin phép, còn sửa chữa phải báo cho Ban quản lý.
- Sau vụ việc sập nhà, theo ông cơ quan quản lý địa phương cần rút ra bài học gì?
- Chính quyền phải quy định rõ việc cải tạo và sửa chữa nhà ở hiện cần thủ tục gì, cấp quận phải tập huấn cho cán bộ, cấp phường phải thường xuyên kiểm tra, không phải chỉ đợi dân đến trình báo.
Vụ đổ nhà lần này may mắn vì không thiệt hại về người, chỉ thiệt hại về của. Tôi nghĩ không nên buông trôi, chính quyền cần nghiêm túc xử lý mang tính răn đe. Trước đây vụ vụ cháy chung cư ở Thanh Xuân làm 2 người chết, sau đó không thấy ai bị xử lý.
Đoàn Loan thực hiện

Đăng nhận xét

0 Nhận xét